Được tạo bởi Blogger.

Nghệ Thuật Câu Cá Lóc Cách Câu Bằng Nhái Đùm

Thật ít có loại cá nào vì nó mà nhiều người trở thành thợ câu chuyên nghiệp như cá Lóc. Cách đây chừng 30-40 năm, quanh ta còn có biết bao nhiêu những tay câu rê chuyên nghiệp. Mà cái anh cá Lóc này cũng không chỉ có vài kiểu câu mà rất nhiều kiểu câu. Đáng đời cho chúng, dẫu mệnh danh là giống cá khôn nhất ao hồ thế nhưng bao nhiêu thế kỷ rồi, nó không ngờ con người lại tóm cổ nó trên cơ sở của những cái khôn một chiều ấy. Kể cũng may cho loài cá dữ như cọp này vì chúng chịu sinh, chịu đẻ, chịu nuôi con chứ cứ như loài khác thì nó tuyệt chủng lâu rồi …

Các bạn ạ! Câu cá Lóc có nhiều cách và nhiều kiểu, trong phạm vi bài viết, tôi chỉ giới thiệu cùng mọi người những cách câu thông thường và có phần độc đáo của một số vùng miền mà thôi…

PHẦN I - NHẤP VỊT
Ở Nam Bộ có một số người thích câu cá Lóc bằng vịt. Cách này cũng là gã thợ câu nắm bắt được đặc tính và điểm yếu của những con cá Lóc luôn luôn tỏ ra quân tử tàu trong vấn đề vật ổ, nuôi con. Loài cá này là một trong số ít loài cá đẻ trứng, ấp và nuôi con. Cứ đến đầu mùa mưa rào, những con cá bố, cá mẹ bắt kết tổ. Để nịnh đầm, chàng cá Lóc gầy nhẳng lùng sục khắp một chỗ bờ bụi nào đó gần bờ để đuổi và tóm cho bằng hết bọn sặc rằn, săn sắt và lòng tong để chúng không nhào vào ăn trứng của nàng vợ. Sau đó, cá mái bắt đầu đẻ trứng. Những cái uốn quẫy, táp duổi cá con cứ rầm rã, ủng oẳng suốt đêm để sáng hôm sau cái con mắt tinh đời của gã thợ câu kia chỉ nhìn sơ hiện trường nhàu nhĩ, vạch một tý rong bèo ra đã thấy những luồng trứng cá li ty là đúng nó.

Rất nhanh chóng, gã thợ câu kia bắt từ trong giỏ đệm ra một con vịt bóc trứng. Với 2 cái dây thun, gã đã choàng xong vào đôi chân con vịt 2 chùm lưỡi chết chóc. Một cái dây thun nữa choàng vào cổ con vịt cho thăng bằng với cái dây câu và gã thợ thả xuống ổ cá Lóc. Con vịt đạp nước và chỉ trong vài phút cặp vợ chồng cá kia nổi máu căm thù với kẻ đã phá đám; chúng nhè chân con vịt mà rút (có những con cá lớn thì lại nhè toàn bộ con vịt mà táp); gã thợ câu chỉ việc kéo rút cái cần câu chừng 1 mét ấy văng luôn con cá lên bờ. Thông thường, gã câu cả cặp cá vì bọn cá hình như không biết sợ bởi cơn giận con vịt chắc đã có từ tiền kiếp. Mà rất lạ, bọn cá này quân tử tàu ở chỗ có khi cả cặp cá bị bắt lên bờ rồi nhưng đám trứng ấy sẵn sàng có con cá khác nhào vô bảo vệ và làm nghĩa vụ bố mẹ sau này. Vậy mới có những ổ cá vật mà tay thợ câu cả tuần không hết cá. Thế nhưng, thợ câu rê cá Lóc chính hiệu rất ghét cách câu này bởi nó dã man lắm. Với con vịt, dẫu kinh nghiệm lắm và nhanh tay rút cần lắm thì chỉ đến con cá Lóc thứ 2 thì con vịt ngây thơ kia đã chết ngủm - một cái chết bị dứt lìa chân, xã cánh và máu me nhầy nhụa !

PHẦN II - CÂU CẮM
Một cách câu nữa cũng rất hiệu qủa là câu cắm. Người thợ cắm câu coi mòi vất vả hơn bởi sự thức khuya dậy sớm và lội ruộng, lội ao. Cần câu cắm là loại cần thật mảnh bằng tre có đọt dịu cùng với khúc dây chừng nửa mét. Một ông thợ có đêm chuẩn bị và phụ trách đến vài trăm cần cắm. Ở ngoài Bắc, những tay thợ cắm hay dùng con trạch nhỏ móc vào đuôi; trong Nam thì cắm câu bằng nhái nhỏ (vậy mới có câu vè: Nếu mai thất nghiệp, anh về Gò Công đi cắm câu; bắt con nhái bầu...). Người ta cần phải dọn sơ một vầng trống ven bờ để con nhái, con trạch kia có thể giãy liên tục mà không biết bấu víu vào chỗ nào để giải lao. cá Lóc thường đi ăn mồi vào khuya và sáng sớm. Nhưng mà, con cá Lóc táp dẫu có dính câu thì cái sự mắc câu rất mong manh cho nên khi bắt cá Lóc cắm câu cần phải có vợt để khỏi tuột mép. Cắm câu cá Lóc sướng ở chỗ có khi còn bắt được cả cá Chẻm, Trê. Với thợ có kinh nghiệm thì luôn mang theo 2-3 loại mồi cắm. Ví như từ tầm 7 giờ tối tới 12 giờ đêm, gã móc mồi trùn đất hoặc ruột ốc và hạ tấm lưỡi câu sâu xuống dưới mặt nước khoảng 10 cm để bắt cá phi, cá trê và có khi cả một chú lươn to khồ nữa. Từ tầm 1-2 giờ khuya, mồi câu cá Lóc mới phát huy...

PHẦN III - CÂU RÊ & THIẾT BỊ CƠ BẢN

Thế nhưng, như tôi đã nói, với cá Lóc thì rê mới là vi diệu và mời các bạn hãy cùng tôi đi rê nhé: Trước tiên, ta hãy điểm danh họ hàng nhà Lóc để nắm vững gia phả rồi đi đến các đặc tính của từng loài. Miền Bắc, nhiều nơi gọi chúng là cá Qủa, cá Chuối, cá Chòi, cá Sộp … Miền nam: cá Lóc, cá Tràu … Rồi, trong số chúng có Lóc Mun, Lóc Bông Giấy, Lóc Bông Gấm …

Thợ câu khi xác định được những con cá dưới đường câu thì dễ dàng đưa ra những chiêu thức về mồi, cách kéo, cách bắt…khiến con cá kia khi bị tóm cổ bỏ vào thùng (hay thúng câu) rồi thì “tâm phục khẩu phục” một bề. Ví như những con cá Lóc Bông Giấy, thì nguyên cả đàn con dẫu lớn bằng cổ tay rồi nhưng vẫn cứ tò tò theo mẹ và khi gã thợ câu gặp đàn cá này thì cứ gọi là giật mỏi tay. Cách tốt nhất là thảy mồi chính xác và có khi không cần máng cỏ với sóng hồng làm gì kẻo mất thời gian. Hoặc với những con cá Lóc Bông Gấm, chúng thường khoẻ gấp đôi lóc khác cùng trọng lượng thì phải cẩn thận lắm. Thêm nữa, cái giống qủi này táp bóng xong là đi luôn chứ không xà quần tại chỗ như anh Lóc Mun nhưng lại rất háo mồi; để câu được con cá ấy, thợ câu lại phải ném mồi đón bóng …

Đồ nghề câu cá Lóc vốn dĩ rất đơn giản: Những thợ câu từ thời bác Bùi Hữu Cư thì chỉ 1 cây tầm vông, guồng cước, giỏ Nhái và cái thúng câu tráng bitum. Bây giờ câu máy có khác và bạn hãy chuẩn bị như sau:


Cần câu: dài từ 3,2m-3,6m chia 2 khúc. Nếu thường câu ngầm thì đọt hơi cứng nhưng nếu rê nổi thì đọt dịu hơn. Cần câu cá Lóc là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật ở chỗ: Hầu như các hãng cần câu có tiếng chả bao giờ làm cần cá Lóc theo … TCVN cả vì hình như bên họ không có màn rê cá Lóc hay sao ấy. Vì thế, sang Việt nam ta mới có màn chế cần cá Lóc (hoặc dựng cần cá Lóc). Một cần cá Lóc đạt chuẩn với thợ câu phải là vừa nhẹ và cân đối để không mau mỏi tay, đủ dẻo để rung cho con Nhái quyến rũ trên lối câu; đủ lực để ghìm con cá; hệ thống khoen nhẹ, xả dây nhanh với khoen "đề-pa" lớn, hướng đi chính xác. Nhiều bạn hỏi tôi rằng: tại sao cần cá Lóc cứ phải là 3,2 mét … ? Rất đơn giản rằng: với chiều cao của cây cần như thế, khi kéo mồi,con Nhái sẽ nằm ngang với mặt nước chứ nếu cần ngắn qúa, con Nhái đi sẽ không ngon bởi cứ luôn chúi xuống dễ động lối câu. Ngược lại, nếu cần qúa dài, con mồi bị hếch và chú cá phía dưới dễ táp hụt.

Theo tôi, nếu bạn muốn câu cá Lóc hiệu qủa thì nên mang chiếc cần của mình đến cho thợ làm cần cân chỉnh và sắp xếp lại khoen xả (đề-pa). Bởi, với 1 cần câu ống píp dẫu bình thường nhưng nếu biết phân bổ hệ thống khoen thì độ nhịp khi rung và sức chịu lực của nó không kém những cần xịn. Thêm nữa, ông thợ làm cần kia sẽ biết với cần ấy dùng cái khoen đề-pa nào thì xả dây ưu việt, thảy mồi được xa và cái đầu bu cỡ nào thì sự chính xác của hướng ném là tuyệt đối .v.v. Ở Phía nam có nhiều thợ dựng cần, chế cần. Ngày trước, bên Q.6 có ông Năm Bãi Sậy, sau khi ông mất, người con trai nối nghiệp cũng khá, bên Q 3 còn có anh Trung, trên đường CMT8 có Tuấn Anh v.v. Về trọng lượng, cần câu cá Lóc thể theo gu của người câu. Tuy nhiên, thông thường nó nặng từ 300gr-450gr là vừa.

Nhân tiện bài viết này, tôi cũng muốn gà thêm cho những ai muốn dựng 1 cần câu rê cá Lóc tuyệt tác thì ngoài độ dài, dẻo, đàn hồi đúng điệu hãy nên đặt ông thợ làm cần 1 bộ khoen Fuji hay Garcia được bố trí hợp ý nhất trên dải cần thì có lẽ bạn đi câu không muốn buông cần giải lao nữa đấy ... vì mồi chưa ném đã đi, chưa rung đã điệu và vừa ghì thì con cá đã xóc và chịu phép !


Máy câu cá Lóc cũng là một lựa chọn công phu của thợ câu. Với đa số cần thủ, máy dùng câu cá Lóc là chiếc máy được tuyển riêng. Hôm nay, ngồi gõ những dòng của bài viết này, dẫu biết mấy lần cứ dặn mình đừng hoài cổ, đừng bảo thủ nhưng thật sự thì máy dùng câu cá Lóc không loại nào thên thế giới này qua được chiếc Salteau. Đây là một dòng máy qúa đơn giản, nhẹ vòng quay nhanh và cái càng của nó cao vồng có vẻ thích hợp với cái ngón tay gầy guộc của gã thợ câu moi ra, nghéo vào mỗi lần ném mồi và giữ dây. Nó đủ nhẹ để làm cân đối cho chiếc cần 3,2 mét; nó đủ mạnh để bác thợ ghì ghìm con cá giữa đường câu, nó vừa đủ nhanh để giúp con mồi uốn đẹp. Những đặc tình ấy có thể các dòng máy khác có thừa ví như anh chàngShimano, Olympia ...và có thể anh Si anh Ôm hơn bứt ở độ nhẹ và êm dịu nhưng mà than ôi, các dòng máy kia lắm phụ kiện, ốc vít vớ vẩn qúa-nó chỉ phù hợp cho mấy cái hồ thanh cảnh trong tiếng e e vui tai kẻ nông nhàn. Dòng Michell cũng được nhiều người chuộng câu cá Lóc bởi sức bền và xử lý đơn giản (loại máy đời 3 chữ số - vỏ bằng hôp kim nhôm) nhưng lại hơi nặng. Chả thế, cái đợt câu thi với anh em Long An vừa rồi, tôi được ngắm hơn chục cái Salteau theo từng kiểu, cái nào cái nấy cứ bóng như sừng, như ngà.

Những máy câu cổ nhưng rất thích hợp cho cấu cá Lóc của hãng Mitchell


Dây câu cá Lóc cũng cần những hiểu biết nhất định để tuyển chọn cho hợp lý. Dĩ nhiên rằng: dây qúa lớn thì động đường câu, có bóng và chỉ có nơi nào cá dạn mồi lắm mới táp mồi ta rê. Thế nhưng, nếu bạn câu dây qúa nhỏ không chỉ bắt cá thiếu chắc chắn mà nó còn mau phá hủy những cái khoen câu rất qúi giá.
Trilene vẫn là 1 trong những lọai dây câu thông dụng nhất ở Việt Nam

Thông thường, dân câu dùng loại dây có kích thước 0.30mm. Cách đây hơn chục năm, thợ rê lóc dùng dây cỡ trên chỉ là câu ruộng hay nơi nước trống; bây giờ, dây cỡ trên câu cả ở hầm, đìa và kênh rạch. Hỏi sao thì ông thợ câu cười rầu rầu: ”Bây giờ làm gì có cá lớn mà chơi đến dây 35-40 ?”. Thị trừơng bây giờ có rất nhiều loại dây tốt và có sức chịu tải lớn. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên anh em không nên dùng loại dây không làm từ nilon. Bởi lẽ, những loại dây kia hay bị rối mà mau phá khoen kinh khủng. Ngày xưa, anh em chúng tôi câu thì mê 2 loại của hãng “con lỉm kìm France’ và dây của hãng “con rùa France”. Sau này, Tây Đức cũng có loại dây chuyển màu theo màu nước dùng câu cá Lóc rất tuyệt.

Khi đi câu cá Lóc, bạn nhớ mang theo vài đường dây các cỡ để sẵn sàng điều chỉnh bắt những con cá không ngờ phía dưới. Dây câu cá Lóc câu một thời gian dẫu tốt thì nó cũng bị dẹp đi, sờn và xoăndo ta ném mồi liên tục. Trước khi câu, bạn phải kiểm tra kỹ càng dây câu của mình. Thêm nữa, dây câu cá Lóc sẽ rất bẩn bởi đặc thù của cách câu cho nên việc thường xuyên rửa dây, chuốt lại dây cho óng bóng là nên làm. Với một số thợ câu chuyên nghiệp trước đây, họ có hẳn cả 1 cái guồng xử lý dây như ta xe sợi dệt vải ấy. Sau này cải tiến, thợ câu chỉ cần gắn 1 đầu dây vào máy cây, kẹp tay chút bông gòn thấm dầu lạc là có thể chuốt dây cho óng ả.

Thưa các bạn, ấy là tôi đang trình bày thuần túy để làm sao chuẩn bị dây câu cho hiệu quả như những ý chí xuôi chiều xưa nay. Nhưng mà ngược lại, trong lĩnh vực câu cá Lóc này còn có những ý chí và góc nhìn khác nữa. Đó là một vài người bạn của tôi. Cách đây vài chục năm, họ cũng như tôi lam lũ lắm; với thu nhập chính ngạch thì có mua được cái quần xà lỏn là cũng có thể bị đặt vấn đề: Tiền đâu mà mua ?!? Vậy là mỗi ngày ấy người đều có cách kiếm thêm và chúng tôi sắm cần câu cá. Những người bạn ấy bây giờ dẫu con cái đã lớn, có trợ cấp nước trong nước ngoài và cả nhà cao cửa rộng nhưng cái mê câu rê thì ít ai bỏ được. Nhưng mà cái nét câu của các bác ấy đã có vấn đề. Đa số bạn tôi đều thuộc kênh khi xảy cá thì giậm chân tiếc rẻ và cay cú, trách mình trách người đổ lỗi cho dây, cho máy, cho lưỡi … Đa số bạn tôi cần sắm dây cho tốt, lưỡi cho cứngcho to để ”chúng mày xơi vào ông thì chỉ có chết”. Ấy vốn lẽ thường. Song có vài ông bạn thì có vấn đề ở chỗ chỉ sắm dây nội, loại chịu lực thật kém với cái lưỡi câu cũng tự làm. Ban đầu, tôi cũng thầm rủa mấy cái lão cố đỉn hà tiện vắt cổ chày ra nướckia toan không thèm chơi. Có ai dè mình lại phải xem lại mình bởi các lão lý sự thế này: ”Việt Hòa ơi! Mình đi câu bây giờ để kiếm lấy cái giề? Cảm giác là chánh chớ hả ? Vậy thì sao không tăng cảm giác của lo sợ, phập phồng bởi có thể con cá sẽ xảy, dây sẽ đứt ? Vậy sao không tăng cảm giác chiến thắng trần ai khi chỉ 1 đường dây thật nhỏ mà ta đủ tài tóm được con cá thật to. Còn con cá ? Ông bạn ăn được mấy đũa gắp hay lại đem về bán rẻ không nỡ mà lại cho đi lấy thảo ? Còn con cá ? Nó cũng là một thực thể sống, nó cũng phải tìm đường thoát trong sự khốn cùng, nó phải giãy, phải bung phải mưu trí theo kiểu của một sinh vật chứ ?!?”. Nghe câu nói, tôi thoáng tẽn tò. Đành rằng là cái thời vất vả thu gom, bòn bải ngày xưa đã qua rồi nhưng nếu chê các gã là “có đèn quên sao” thì đúng là bảo thủ qúa. Theo tôi, có thể mấy ông bạn này đang đạt tới cái "sắc sắc, không không” ở ngưỡng cửa đầu tiên (tôi nói ngưỡng cửa đầu tiên bởi con cá giá trị là nhỏ bé, nếu các gã đem cả ruộng vườn của mình làm việc nghĩa thì mới là ngưỡng cửa tiếp theo vậy …).

Trước tiên, tôi mô tả cái lưỡi câu anh em miền Bắc hay dùng: Đó là lưỡi hình chữ C, thường là tự uốn lấy bằng cây căm xe đạp; cục chì hình tháp được đúc chết (hoặc dời) ở đuôi lưỡi câu. Trên cái cục chì này có xiên một lỗ đủ soi cọng cỏ để kéo che mũi lưỡi câu tránh vướng mắc khi kéo mồi. Người thợ câu nếu dùng Nhái nhỏ sẽ mắc cả con treo lên và dùng thêm 1 đoạn đây bó con nhái lại cho lẳn mồi và con mồi có thể câu vài chú cá cũng chưa tan rã. Nếu là con Nhái to thì bác thợ dùng kéo cắt bỏ phần bụng và chỉ lấy 2 đùi Nhái rồi treo, bó vào lưỡi câu cũng đi mồi rất đẹp. Cách móc mồi của các bác thợ chuyên nghiệp ngoài ấy tinh diệu tới mức khi co cá táp và bác lắc giật là cái mồi với cục chì tự bung lên; cái lưỡi câu thì dính cá nhưng cái mồi thì chạy tuồt lên phía trên dây: mồi dùng lại và 2 -3 em táp qua vẫn chạy tốt !

Sau này, anh em thợ câu đa dạng lưỡi câu hơn và sự đa dạng này gần với cách sử dụng lưỡi câu của thợ câu phía Nam. Lưỡi câu của anh em phía Nam có nhiều kiểu nhưng đa phần làm cái gọng lưỡi dài và khum khum nhằm khi kéo mồi con mồi vẫy đẹp (nếu mắc Nhái đùm). Đa số thợ câu làm lấy lưỡi câu thường tạo cho mình một cái gấp gọi là Đáy lưỡi. Đáy lưỡi là nơi trọng tâm con Nhái làm mồi dồn về, lưỡi câu loại này không cần móc mồi kỹ lưỡng mà con nhái vẫn tự xuôi bởi khi có nước vào bọng bụng thì nó khá cân đối (những lưỡi câu của các bác Long An thuộc dạng này, xem ảnh dưới đây).
Tuy nhiên, những lưỡi câu này không dùng cho nơi cá nhát và nếu câu cá nhỏ thì phải dùng lưỡi nhỏ và nhất là khi cá táp mồi thường phải có khoảng chờ dù rất nhỏ để con cá ngậm sâu hơn mới giật vì mũi lưỡi hơi sâu. Để khắc phục chút nhược điểm này, một vài thợ câu làm cái lưỡi câu có gọng thật thấp, mũi khum, gọng khum. Ưu điểm ở chỗ chỉ cần con cá táp là lắc ngay và mũi lưỡi thấp như thế thì dính ngay. Gã thợ chỉ việc gìm rồi lấy cá khi con cá còn đang nỗi tránh được cái đoạn nó quẩn vào bùn sình và bùng nhùng. Cái nhược là cái mũi lưỡi hơi nghênh và cái sự cong cạn không có rốn lưỡi kia rất khó móc mồi cho cân chuẩn. Để khắc phục điều này, anh em sử dụng cục chì. Thông thường, chì câu ở phía trên khoen lưỡi, nhưng nếu câu ngầm, cần cho con mồi luôn thẳng không quay tròn thì hãy đúc thêm chút chì vào đai lưỡi. Thế là, trọng lượng chì nặng đã buộc cái mũi lưỡi lúc nào cũng ngửa lên và con nhái làm mồi cũng theo cách mắc mà vẫy theo đúng chiều ta muốn. Với những chuyến câu đêm mà kéo chìm ngầm không nhìn thấy gì thì cách này vững tâm lắm. Con cá sẽ nhanh chóng ăn mồi (nếu phía dưới có cá Lóc !).

Lưỡi câu cá Lóc theo tôi phải là lưỡi câu làm thủ công, có ngạnh dài vì cá Lóc dính câu tháo lưỡi hay lắm - mà lưỡi đúc thì ngạnh qúa ngắn mà không đúng kiểu. Thợ câu vẫn làm lưỡi câu bằng sợi cáp tời; thế nhưng để tâm đắc thì làm lưỡi câu bằng cái lò so của băng tiếp đạn AK. Có điều, loại thép này qúa cứng và không phải loại dũa nào cũng trị được nó. Song! một khi cái lưỡi câu đã thành rồi thì bạn không phải mài chuốt gì nữa, nó có đặc điểm càng dính cá thì mũi lưỡi càng bén.

Trong câu cá Lóc, gắn với lưỡi là cái sóng hồng hay cọng cỏ. Sóng hồng là cọng vỏ dây điện gắn vào chụp trên mũi lưỡi câu nhằm tránh các vướng mắc khi kéo mồi; lúc con cá táp mồi và giật thì cọng sóng hồng bung ra để mũi lưỡi câu làm nhiệm vụ. Nhiều thợ câu lại câu bằng cọng cỏ; khi chống vướng bằng cọng cỏ thì phía trên lưỡi câu có thêm 1 ông nhựa (cắt ra từ ruột của bút bic) để luồn 1 đầu cọng cỏ (đầu kia chụp mũi lưỡi). Nói chung câu bằng sóng hồng hay cọng cỏ chỉ là thói quen hay gu của người câu. Thê nhưng với riêng tôi thì tôi câu cọng cỏ bởi cảm thấy chắc ăn hơn.

Bây giờ sang chì câu. Thợ câu luôn luôn có 1 hộp chì các cỡ. Cục chì cá Lóc thật nhỏ, to nhất thì lối hạt đậu phộng, nhỏ thì lối hạt đậu xanh nhưng dũa thuôn dài cho đỡ cản cỏ trên lối câu khi kéo. Tuỳ theo cách câu, đường câu, độ sâu … mà dùng chì. Ví như trên lối cỏ (câu Rê nổi), câu chì càng nhẹ mồi càng đỡ giắt vào khe cỏ nhưng nếu câu ngầm thì phải dùng chì hơi nặng. Ban đêm, khi phát hiện ra những con cá táp bóng gần bờ thuộc dạng dữ dội thì dùng viên chì thật nhỏ, kéo chầm chậm cho mồi lờ lờ ven đó, cứ kéo chậm tới khi nghe ghị đấu cần như vướng gốc thì đúng nó rồi đấy.



Minh họa:Tuấn Hàng Xanh
Share on Google Plus

About Nguyễn Tiến Cường

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét