Cá bông lau thuộc họ cá da trơn, cùng họ với cá tra, basa. Nhiều người lần đầu nhìn thấy cá bông lau cứ tưởng là cá tra hay basa cho thấy sự giống nhau về hình dáng của chúng. Nhưng nếu chú ý một chút bạn sẽ thấy cá bông lau có cái đuôi màu vàng thay vì xanh như cá tra, basa. Cá bông lau sống ở vùng nước lợ tiếp giáp giữa sông và biển. Nó sinh sản tự nhiên và không thể nuôi hay nhân giống như cá tra hay basa. Vì là cá tự nhiên nên thịt nó ăn ngon hơn hẳn các lọai cá da trơn được nuôi tù đọng trong các ao hồ hay bè ở ven sông. Sự hiếm có này khiến giá của nó đắt hơn các loại cá cùng họ và có lẽ cũng là lý do người ta thích săn bắt chúng.
Có một điều lạ là cho đến giờ người ta vẫn không biết được cá bông lau sinh sản như nào. Chỉ biết rằng vào mùa sinh sản chúng sẽ quay ngược về phía cửa sông và… đẻ trứng!!!. Nhưng theo lời những người dân địa phương thì người ta (và cả tui) chưa bao giờ bắt được cá bông lau có trứng cả. Qua mùa sinh sản, chúng lại từng đàn đi sâu vào sông ngòi. Càng vào sâu chúng càng lớn dần và có xu hướng đi riêng rẽ. Đặc tính di cư của bông lau đã hình thành nên hai mùa câu riêng biệt: câu đón và câu xổ.
Câu đón là khi con bông lau sinh sản xong kéo theo cả họ hàng đi sâu vào sông ngòi. Người ta nói rằng nó bị xót con mắt vì thời điểm này là mùa khô (tháng 1 đến tháng 6), nước sông thấp hơn nước biển nên độ nhiễm mặn cũng cao hơn. Vào mùa này bạn sẽ có nhiều cơ hội bắt được cả đàn cá hay còn gọi là “trúng đàn” (đôi khi chỉ câu một chỗ và chỉ trong một con nước bạn có thể bắt hơn chục con). Đi câu mùa này cũng đỡ cực hơn vì không phải đi quá xa, có khi phải ra rất gần cửa biển như mùa câu xổ.
Câu xổ là khi mùa mưa đến (khoảng tháng 6 đến tháng 11), lúc này do mưa nhiều nên nước sông ngọt dần và con bông lau (lúc này đã béo ú căng tròn) lại di chuyển dần ra biển. Đi câu mùa này bạn sẽ cảm nhận được thiên nhiên rộng lớn và dĩ nhiên sóng gió cũng rất nhiều. Lúc này khả năng “trúng đàn” rất thấp nhưng câu được con nào thì ra con nào. Rất hiếm khi bắt được những con “bú bình” nhưng cá cũng thưa hơn vì cá lớn có xu hướng đi riêng rẽ và ghe thuyền phải di chuyển rất nhiều để săn chúng.
Những con bông lau còn sót lại sau hai mùa câu đón và câu xổ lại trở về cửa biển và thực hiện bản năng của chúng: sinh sản (tháng 11 đến tháng 1). Thời điểm này coi như hết mùa đánh bắt bông lau nhưng nếu cơn ghiền nổi lên, bạn đi câu mùa này cũng có khả năng bắt được chúng mặc dù xác suất bắt được rất thấp. Cá bắt được mùa này gọi là “cá ở” tức là cá không quay về nguồn do lạc đàn hoặc cũng có thể do chúng đã thích nghi với môi trường nước nên không muốn quay về nữa.
Bông lau đi ăn hay nương theo những “giọt” hay luồng lạch vì chúng sống nơi nước chảy và giọt là nơi nước chảy mạnh nhất. Giọt cũng là nơi nước sâu và được hình thành do đặc tính uốn lượn của con sông lâu ngày tạo nên sự xói mòn. Một khúc sông tùy theo lớn hay nhỏ, thẳng hay khúc khuỷu mà số lượng giọt cũng khác nhau. Chỉ có nhà ghe (hay dân địa phương) là người biết rõ vị trí của từng giọt và chúng ta phải nương nhờ vào kinh nghiệm và sự hiểu biết của họ mà neo ghe và thả câu vào đúng giọt. Và cũng rất thường xuyên ta phải đổi sang giọt khác khi không có cá. Đặc biệt, nếu chỗ giọt ta thả câu nằm gần đầu vàm (đầu ngã 3 sông) hoặc những nơi có “búng” (vùng xoáy) thì xác suất câu được bông lau rất cao. Vửa rồi tui “trúng đàn” hơn chục con bông lau khi câu tại đầu vàm và có búng chỉ trong một con nước
Bông lau ăn chìm, tầm 0.5m tính từ đáy sông. Thức ăn của chúng không quá đa dạng, và tự nhiên nhất vẫn là trái bần hay trái mắm chín rụng xuống dòng sông. Rất nhiều lần, khi mổ bụng cá, thấy toàn bần với bần. Cũng vì bần là thức ăn tự nhiên của chúng mà đôi khi người ta cũng thấy chúng quẫy đuôi ăn “nổi” những trái bần vừa mới rụng và chưa kịp chìm xuống lòng sông.
Cần câu
Do câu bông lau có nhiều cách câu khác nhau nên cách chọn cần cũng khác nhau. Ở đây tui chỉ nói đến câu bông lau trên ghe hay thuyền. Vì không gian trên ghe chật hẹp nên ta không nên dùng cần quá dài vì sẽ rất dễ vướng víu và khó thao tác. dùng cần 2m7, loại 2 khúc với bát máy nằm bên dưới. Có người dùng cần 3m hoặc 3m2 cũng ổn với lý do lỡ con cá nó cắm đầu chạy xuống dưới mạn ghe thì ta có thể dễ dàng “nại” nó ra ngoài. Nghĩ cũng có lý nhưng với cần 2m7 làm bằng Graphite là vừa tay. Đặc biệt thông số Action phải là Medium Heavy. Lý do chọn thông số là Medium Heavy nằm ở chỗ đầu cần sẽ đủ cứng để chúng ta có thể quăng cục chì neo ra xa (chì nặng từ 200-300 gram tùy theo nước chảy mạnh hay yếu).
Một tiêu chuẩn quan trọng khác để đánh giá chiếc cần này tốt hơn chiếc cần khác nằm ở chỗ các khoen để xỏ dây. Khoen tốt sẽ giảm độ ma sát với dây và do đó sẽ giúp kéo dài thời gian sử dụng dây. Và dĩ nhiên chất lượng đi đôi với giá cả. Cần câu có rất nhiều nhãn hiệu khác nhau, giá cũng từ thượng vàng đến hạ cám từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu.
Máy câu
Máy câu bông lau dứt khoát phải dùng loại lớn, có tua quay mạnh và nhanh để đủ sức dìu con cá hoặc đơn giản chỉ là để kéo cục chì ngược dòng nước khi muốn thay mồi. Và ít nhất là máy phải có Power từ 4000 trở lên. Cũng như cần câu, máy câu có nhiều loại, nhiều nhãn hiệu và giá cả cũng khác nhau. Bạn thích hàng hiệu và tài chính cho phép thì có thể mua máy của những hãng nổi tiếng như Shimano, Daiwa, Penn, Abu Garcia. Với thực tế con cá không nhiều và không quá to thì không cần phải sắm những “hàng khủng” như thế mà chỉ cần dùng những máy câu spinning hiệu Shimano 4000 (hàng Malaysia), KT 6000 của Hàng Quốc cưc khỏe quay vừa nhẹ vừa êm hay một máy Penn “tàu” cũng đủ sức bắt con cá hơn 5 kí lô.
Dây câu
Những tiêu chuẩn để chọn dây câu bông lau là phải dẻo dai, bền bỉ . Đặc biệt dây không dễ bị xoắn hay chống xoắn là một tiêu chuẩn quan trọng để tránh bị rối. Đặc biệt nếu dùng làm dây thẻo thì khi dây bị xoắn sẽ rất dễ quấn vào dây chì neo, và khi chúng đã quấn vào nhau thành một cục to thì lúc ấy sẽ dẫn đến vướng rác. Về độ lớn thì tùy theo thói quen hay sở thích của bạn và lực chảy của dòng nước mà chọn cho phù hợp. Nếu bạn hay câu vào những nơi nước chảy quá mạnh thì dây rất mau dãn vì kéo ngược dòng do đó có thể phải chọn dây lớn hơn bình thường. Nên dùng dây có đường kính từ 0.44mm – 0.5mm.
Lưỡi câu
Thực tế thì câu bông lau không kén lưỡi vì bản thân nó cũng như các loài cá tự nhiên khác rất háo ăn. Nhưng điều đó không có nghĩa là lưỡi nào cũng có thể dùng được. Lưỡi câu bông lau thường to cỡ lưỡi câu cá tra, có bụng rộng và đầu luỡi hơi vênh ra ngoài một chút với mục đích là để khi đánh lưỡi sẽ xóc vào miệng cá, hàm trên hoặc hàm dưới. Một điều quan trọng cần phải chú ý khi chọn luỡi câu là chuôi lưỡi phải nhỏ đễ ta có thể dễ dàng xỏ nguyên con trùn qua cả phần chuôi mội cách dễ dàng. Tui thường mua lưỡi câu bông lau ở một của hàng bán dụng cụ câu cá trên đường Trần Quốc Thảo gần ngã 3 Kỳ Đồng. Lưỡi nơi này làm bằng tay dùng thép loại tốt và câu rất nhạy.
Chì câu
Mục đích viên chì là dùng để neo mồi dưới đáy sông, tùy theo nước chảy mạnh hay yếu mà ta dùng loại lớn nhỏ khác nhau. Khi nước chảy yếu thì dùng chì nặng khoảng 200gram, nước chảy mạnh có thể dùng chì nặng khoảng 300-350gram. Có nơi dùng chì đến nửa kg! Nếu bạn mua chì ở các tiệm đồ câu ở SG thì sẽ thấy nó có hình dáng như quả bàng. Giá một viên chì cũng khá đắt: 8000VND/100 gram. Như vậy để có một viên chì nặng 300 gram thì ta phải trả khoảng 24000 VND. Mổi khi dây câu vướng cọc, rể cây hay rác đến nỗi phải cắt dây thì cái xót nhất không phải là khoen hay lưỡi mà chính là đi viên chì neo. Cũng vì giá cao mà người ta hay tự nấu và đổ khuôn chì bằng tay hoặc dùng bù loong, con tán để làm chì neo câu bông lau.
Mồi câu
Như đã nói ở phần đặc tính cá bông lau thì trái bần hay trái mắm là thức ăn tự nhiên của bông lau như chúng ta ăn cơm hằng ngày vậy. Nhưng nếu bạn câu 4 cần, mỗi cần móc một trái bần để câu thì liệu con bông lau sẽ ăn cục mồi của bạn hay là nó cứ thong thả ăn những trái bần khác chín rụng xuống lòng sông? Hoặc nếu may mắn cục mồi của bạn được nó ghé thăm thì số lượng cá ghé thăm cục mồi bạn sẽ rất ít. Thực tế thì trái bần vẫn đang là mồi câu của các ghe câu giăng với vài trăm lưỡi được giăng ngang tại một khúc sông nào đó. Kiểu câu giăng lưới với nhiều lưỡi vẫn giúp cho dân câu giăng bắt được bông lau nhưng với kiểu câu bằng cần máy thì để bắt được chúng người phải dùng một loại mồi khác để khiến con bông lau phải từ bỏ “bữa cơm” hằng ngày mà đi “ăn phở”. Phở ở đây chính là những loại mồi khác như con gián, con hà đỏ , ruột gà vịt… Tùy vùng mà con bông lau lại nhạy với loại mồi này so với loai mồi kia. Nhưng gần đây người ta đã phát hiện một loại mồi khác mà tất-cả-các-loại cá tự nhiên đều thích không chỉ riêng con bông lau. Đó chính là trùn biển.
Trùn biển được bắt ở Vũng Tàu và vận chuyển vào SG để giao cho các thương lái. Công việc của bạn là liên hệ với các thương lái để mua trùn khi muốn đi câu. Trùn biển được bán theo phần, mỗi phần khoảng 150 gram (50-70 con to cỡ chiếc đũa) và được cho vào một bọc nylon bịt kín lại sao khi đã bơm đầy oxy. Một chuyến câu 24h bạn sẽ cần ít nhất là 3 phần mồi trùn biển.
Trùn biển phải được bào quản cẩn thận hay nói cách khác là phải giữ cho nó sống đến khi móc vào thẻo lưỡi. Trùn biển còn sống (hay còn tươi) sẽ giúp thịt nó lâu rã và vì còn tươi nên máu con trùn sẽ lan tỏa ra trong nước để dụ bọn bông lau đến. Để giữ trùn biển sống lâu và khỏe mạnh thì chúng ta phải theo dõi chúng thường xuyên, nếu thấy trùn bơi yếu hoặc đổi dần sang màu đỏ thì phải thay nước (thường là nước biển đi kèm với mấy phần mồi khi mua) hay dùng máy sục oxy (có bán tại các cửa hàng cá kiểng) cho trùn thở. Không nên đổ nước quá đầy mà chỉ cần đổ lấp xấp là trùn có thể sống từ ngày này sang ngày khác. Chú ý phải che nắng cho chúng nếu không nắng nóng sẽ khiến chúng chết rất nhanh.
Thẻo câu
Thẻo câu : là một đoạn dây câu riêng biệt một đầu được gắn với lưỡi câu và đầu còn lại được nối với dây chính. Vì được gắn với lưỡi câu nên thẻo câu cũng chính là đoạn dây dùng để móc mồi. Mục đích của việc dùng thẻo câu là để tăng sự linh động khi thay mồi: bạn có thể có nhiều thẻo câu hơn số lượng cần câu và khi muốn thay mồi, bạn chỉ cần móc mồi vào những thẻo câu còn thừa (available), sau đó cuốn cần vào, tháo dây thẻo (đã hết mồi) đang nối với dây chính rồi thay vào đó là thẻo câu khác đã được móc mồi sẵn. Sự linh động thứ hai của thẻo câu là khi cá ăn rộ (“trúng đàn”), bạn móc mồi sẵn cho các thẻo còn thừa, kéo cá vào, tháo thẻo đang dính cá và thay vào đó là thẻo đã có mồi sẵn rồi lại quăng mồi vào chỗ cá đang ăn. Bạn nên biết rằng cá bông lau ăn lúc con nước chảy và thời gian chảy của con nước có giới hạn, thường thì khoảng 1 tiếng đầu con nước và 1 tiếng cuối con nước. Vì vậy bạn quăng mồi càng nhiều thì khả năng bắt được cá càng nhiều.
Để móc mồi vào thẻo lưỡi, bạn dùng một cây xỏ trùn làm bằng chiếc căm xe đạp dài khoảng 3 tấc, một đầu có 1 cái lỗ nhỏ. Sau đó toàn thân con trùn biển được xiên (luồn) vào cây xỏ trùn. Kế đến bạn móc đầu lưỡi câu vào chiếc lỗ nhỏ trên cây xỏ trùn và đẩy ngược cả con trùn về phía lưỡi và kéo lên trên cả dây câu. Bạn chú ý là phải để con trùn trùm kín cả lưỡi câu, như thế này thì con cá không thể phát hiện được con mồi có cái gì là lạ vừa đen vừa nhọn và cứ thế mà ăn không một chút nghi ngờ
Đến đây thì tui đã giới thiệu những đồ nghề chính yếu. Giờ đã đến lúc kết hợp chúng lại với nhau để “ra cần” đợi cá ăn. Vì không có hình ảnh minh họa nên tui đành vẽ bằng tay rồi chụp lại. Hy vọng là nó không quá khó để hiểu và làm theo cho những ai quan tâm.
Móc khóa: dùng móc khóa cho những đầu cuối như dây chính, thẻo lưỡi hay thẻo chì neo. Tại điểm kết nối (thẻo chì – dây chính – thẻo lưỡi) tui chỉ cần móc chúng lại với nhau. Với mục đích tăng sự linh động khi thay thế các thành phần này mà thôi. Móc khóa luôn có khoen xoay để khi nước đạp chì neo thì khoen xoay giúp dây không bị xoắn lại. Hay khi con cá ăn mồi và lồng lộn hòng thoát thân thì khoen xoay tại móc khóa thẻo sẽ hóa giải việc xoắn dây.
Hạt cườm: dùng để phân cách móc khóa của thẻo chì và móc khóa dây chính, hạt cườm phải có đường kính to hơn đường kính móc khóa.
Thẻo chì neo: một đầu thẻo chì cột với viên chì neo, đầu còn lại móc vô dây chính thông qua móc khóa. Tùy theo nước chảy mạnh hay yếu mà chọn viên chì phù hợp: nước chảy càng mạnh thì chì phải càng nặng để neo mồi, tránh trường hợp nước đẩy chì sang bên trái hay phải sinh ra rối dây của các cần câu với nhau. Chiều dài thẻo chì khoảng 0.5m, điều đó có nghĩa là con trùn biển (được móc trên dây thẻo lưỡi) sẽ phất phơ cách đáy 0.5m, ngay tầng nước bông lau hay đi tìm mồi.
Thẻo câu: thường thì chiều dài thẻo câu là từ 1m5-2m. Có một điều đáng để tham khảo ở đây là khi nước chảy yếu, cá nhỏ phá rất nhiều và trong trường hợp này người ta sẽ cột phao vào thẻo câu (vị trí khoảng 1/3 dây thẻo tính từ phía lưỡi câu). Cách làm này sẽ giúp nâng mồi lên cao hơn tránh bị cá nhỏ phá để chờ bông lau đến.
Thả câu – Gác cần sống hay cần chết
Gác cần sống
hay gác cần online là một cách gác cần mà đuôi cần không chạm xuống sàn ghe, thường thì 2/3 thân cần tính từ đầu cần sẽ được đưa ra khỏi đuôi ghe, 1/3 còn lại của cần (phần máy và đuôi cần) sẽ nằm trong khu vực sàn ghe. Gác cần kiểu này đòi hỏi nước phải chảy đủ mạnh để ghe có thể xuôi theo dòng nước và lực chảy đủ mạnh sẽ giúp cân bằng chiếc cần. Một ưu điểm của việc gác cần sống là cá ăn rất dễ phát hiện (toàn thân cần gật gật lên xuống như giật kinh phong) và ta có thể đánh kịp thời trước khi con bông lau kịp nuốt lưỡi. Về khuyết điểm, theo tôi thì các kiểu này đỏi hỏi tập trung cao độ vì lỡ như cá kéo mạnh có thể lôi cả cần câu xuống sông. Hơn nữa trên sông có nhiều rác, khi cần bị vướng rác thì đầu cần gật gật rất giống cá ăn mồi, do đó việc nhầm lẫn xảy ra là chuyện rất bình thường.
Gác cần sống
Gác cần chết là kiểu gác cần của dân câu nhà (câu cơm gạo): đuôi cần chạm hay tựa hoàn toàn xuống sàn ghe. Gác kiểu này có đặc điểm là an toàn, không sợ cá lôi cần câu xuống sông nếu lỡ chúng ta đi… ngủ. Khi cá ăn mồi thì đầu cầu nhíu lên xuống như gà mổ thóc. Khuyết điểm duy nhất là cá ăn hay nuốt lưỡi, đặc biệt là cá nhỏ vì nó không đủ sức nhấc viên chì lên.
Cách xem con nước và chọn ngày câu
Câu bông lau thành công hay thất bại còn phụ thuộc vào con nước vì bọn bông lau chỉ ăn rộ khi nước chảy, thường vào 1 tiếng đầu con nước và 1 tiếng cuối con nước, cả lớn và ròng. Kinh nghiệm cho thấy chúng ít khi ăn vào giữa con nước lúc nước chảy quá mạnh. Có lẽ do không nhìn thấy mồi hoặc chúng ngại kiếm ăn trong dòng nước xiết. Bạn nên chọn những ngày nước chảy mà khởi hành chuyến câu của mình. Tui vẫn thường tham khảo bảng con nước Vũng Tàu để xem ngày nào có nhiều con nước tại link này: http://www.mobilegeographics.com:81/locations/6807.html?y=2009&m=2&d=13. Tui thường câu ở Thạnh Phú – Bến Tre và con nước ở Bến Tre sẽ chảy sau Vũng Tàu 3 tiếng.
Để xem bản đồ thủy triều ờ link trên, bạn hãy thay đổi thông số ngày tháng năm (dương lịch) với ngày tháng năm mà bạn muốn đi câu: y cho năm, m cho tháng và dcho ngày. Ví dụ theo link tren thì năm là 2009 (y=2009) tháng 2 (m=2) và ngày là 13 (d=13). Nếu bạn click vô link trên sẽ thấy ngày 13 tháng 2 năm 2009 có đến 4 con nước và sự chênh lệch giữa những con nước lớn ròng cho thấy ngày đó nước sẽ chảy đủ mạnh và đồng thời có 4 con nước một ngày và chúng ta tha hồ giải tỏa cơn nghiện của mình.
Bạn có thể tham khảo thêm về cách xem con nước và các thuật ngữ về con nước tại đây: http://www.4so9.com/cauca/ArticleView.php?article_id=287
Lời kết
Như đã nói lúc khởi đầu, những kinh nghiệm tui kể trên đây là những gì đã học hỏi và áp dụng trong khoảng 3 năm xuôi ngược tại các cửa sông. Một điều cần lưu ý là những kinh nghiệm tui nói ra có thể đúng với vùng này, nhưng có thể không đúng tại vùng khác nhưng nhìn chung thì những sự khác nhau đó là không lớn và nếu có cơ hội ta lại học hỏi thêm để áp dụng cho thật hiệu quả. Câu cá để giải trí nhưng câu cá bông lau cần một sự đầu tư nghiêm túc, lòng kiên trì, niềm đam mê cộng với sức chịu đựng sóng-gió-mưa-nắng-muỗi mòng và dĩ nhiên thêm một chút kinh phí nữa. Nếu bạn có đầy đủ những điều kể trên thì tui tin chắc rằng sẽ có ngày bạn sẽ tận tay bắt được những chú bông lau đuôi vàng đã làm say mê bao người.
Tham khảo
Kỹ thuật buộc dây, tóm lưỡi: http://www.animatedknots.com/indexfishing.php
Cách móc mồi vô thẻo: http://clip.vn/watch/BongLau112008-5/WUq-,vn
Quăng mồi: http://clip.vn/watch/BongLau112008-6/WU7I,vn
Nguon : https://huyrua.wordpress.com/tag/cau-ca/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét